Với mục đích tuyên truyền sâu rộng, khẳng định và quảng bá thương hiệu Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam sau khi vinh dự đón nhận Huân Chương Sao Vàng; để kỷ niệm năm thứ 116 cây cao su có mặt ở Việt Nam (1897 – 2013) và thiết thực chào mừng 84 năm ngày Truyền thống ngành Cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2013), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã mở Cuộc vận động sáng tác Thơ – Ký – Nhạc về ngành Cao su (Thông báo số 3356 / TB-CSVN, ký ngày 27 tháng 12 năm 2012).

Đến ngày 31/7/2013 - hết hạn nhận tác phẩm, Ban tổ chức nhận được:

350 bài Thơ,

51 bài Ký,

44 bài Vọng cổ

200 Ca khúc. Trong đó có 80 bài truyền thống.

·         Cuốn hút nhiều văn nghệ sĩ chuyên nghiệp

Thông tin về cuộc vận động sáng tác ngành cao su đã được phổ biến ngay trong buổi họp mặt báo chí mừng xuân 2013, sau đó được đăng tải trên một số phương tiện truyền thông. Riêng Website của Tập đoàn và Giai Điệu Xanh thì đã mở Chuyên trang “Cuộc vận động sáng tác ngành cao su”… Nhờ vậy, cuộc vận động sáng tác đã được phổ biến tương đối rộng rãi.

Đây là lần đầu tiên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mở Cuộc vận động sáng tác về ngành với qui mô tổng hợp: Vừa mang tính báo chí (Ký) vừa mang tính văn học nghệ thuật (với các thể loại Thơ, Nhạc, Vọng cổ). Riêng phần Nhạc lại có 2 dòng: ca khúc truyền thống và ca khúc trữ tình.

Nội dung ca khúc trữ tình:ngợi ca vẻ đẹp những vùng quê hương mà cây cao su đứng chân, nét thi vị của ngành nghề nhìn ở nhiều góc độ; nói lên tâm tư tình cảm, cuộc sống, tình yêu và khát vọng của người công nhân cao su… Ca khúc truyền thống yêu cầu phải nêu được chất hào hùng mang tính lịch sử của ngành cao su VN; phản ánh được lòng tự hào và quyết tâm của người công nhân trong việc xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững; khẳng định cao su là một ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước… Bài hát cần có ca từ súc tích, giai điệu đẹp, tiết tấu hùng tráng mạnh mẽ; có thể hát đơn ca, hợp ca, đồng ca - tạo khí thế sôi nổi, hào hứng trong những dịp lễ hội, sinh hoạt và các hoạt động phong trào tại từng đơn vị và toàn ngành. Các bài hát truyền thống, sau khiđược Hội đồng thẩm định tuyển chọn và trình Ban Lãnh đạo Tập đoàn xét duyệt, được thu âm hoàn chỉnh, phải trải qua cuộc bình chọn với sự yêu thích của đông đảo CBCNLĐ trong ngành. Tác phẩm xuất sắc sẽ được chọn làm Bài hát Truyền thống chính thức của ngành Cao Su Việt Nam.

Nhiều văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, khi tiếp nhận thông tin đã kêu “Khó! Rất khó!” - vì đề tài chuyên ngành, khô khan; vì ít được tiếp cận với “không khí cao su”, chưa hiểu rõ cuộc sống, nếp ăn nếp nghĩ của người công nhân cao su… Cái khó của người sáng tác là cần một cảm xúc thật. Vì vậy, trong kế hoạch ban đầu, Ban tổ chức cũng đã đề ra việc đưa một số văn nghệ sĩ ở TPHCM đi thâm nhập thực tế tại các công ty cao su miền Đông và Tây Nguyên. Mỗi chuyến đi, phải vượt những cung đường xa để đến những nông trường vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, được tiếp cận người thật việc thật, gặp gỡ hỏi han người công nhân cao su ngay tại vườn cao su… đều đã mang đến cho các tác giả những cảm xúc tươi nguyên dạt dào về hình ảnh sống động của người công nhân và các nông trường, công ty cao su, cùng những trải nghiệm thú vị về vùng đất miền Đông và Tây Nguyên.

 

Các văn nghệ sĩ tham gia chuyến đi thực tế sáng tác Tây Nguyên, tháng 4/2013 .

(Ảnh chụp tại công ty cao su Chư Sê).
 

Trong 3 tháng đầu, lượng bài gửi về rất ít, càng về sau càng nhiều. Đến ngày 10/7/2013, Ban tổ chức nhận: 240 bài thơ, 33 bài ký, 25 bài vọng cổ và 35 ca khúctruyền thống, 46 bài hát trữ tình.

Nhưng chỉ trong 3 tuần cuối của chặng đua nước rút, Ban tổ chức đã nhận thêm 110 bài thơ, 18 bài Ký, 19 bài vọng cổ và 100 ca khúc. Có rất nhiều tác giả là thi sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp tham gia, phần lớn là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật, Hội viên Hội nhạc sĩ / Hội Âm nhạc/ Hội Nhà báo… “Tiếng lành đồn xa”, nên không chỉ ở các địa phương có cây cao su, mà rất nhiều địa phương không trồng cao su, các tác giả chuyên nghiệp cũng đã gửi tác phẩm tham dự. Các tác giả đã tìm đọc nhiều tài liệu về cây cao su Việt Nam, về các hoạt động sản xuất kinh doanh, xã hội từ thiện… để hiểu thêm về ngành cao su qua các thời kỳ, hiểu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện nay đã góp phần cho cộng đồng phát triển, nhất là góp phần ổn định an sinh xã hội và công tác an ninh quốc phòng ở các vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới... Đa số bài viết đều thể hiện lòng yêu mến người và đất cao su, đều chia sẻ những kỷ niệm có “dính đến cao su”... Đã có nhiều bài thơ, nhạc có ý nghĩa sâu sắc với góc nhìn lạ lẫm, mới mẽ nhưng đầy sự trìu mến về người công nhân và ngành cao su.

·         Phát huy tính sáng tạo của các văn nghệ sĩ “cây lá vườn nhà”

Cuộc vận động sáng tác về ngành cao su chính là “sân chơi văn hóa” lành mạnh bổ ích, mang tính gần gũi với người công nhân, vì thế Ban Giám đốc, Công đoàn và Đoàn Thanh niên các công ty đã quán triệt phổ biến rộng rãi trong CBCNVC đơn vị, động viên khuyến khích các CBCNVC có khả năng sáng tác cùng viết bài tham dự.

Có rất nhiều bài do chính cán bộ công nhân cao su sáng tác. Khá nhiều tác phẩm tốt, thể hiện tình cảm chân thật với cái nhìn gần gũi mà lắng đọng, mang hơi thở ấm áp của những người trong cuộc nói về ngành nghề, công việc và cuộc sống của mình, nói về mảnh đất quê hương của mình. Có nhiều bài thơ viết về ông bà, cha mẹ… Ai cũng biết, một trong những truyền thống cao quí của ngành cao su là nghề nghiệp “cha truyển con nối”. Chính sợi dây tình cảm thiêng liêng ruột thịt đã gắn bó mỗi người trong gia đình với nhau và đan kết họ với mảnh đất cao su hiền hòa tình nghĩa bởi những kỷ niệm từ thuở bé thơ… - Tính truyền thống cũng đã được giữ gìn và phát huy từ đấy!

 Các “thi sĩ, nhạc sĩ không chuyên” chính là những người vẫn ngày ngày ra lô làm bạn với vườn cây, nên lời thơ và câu hát là lời thủ thỉ tâm tình chia sẻ vui buồn với “những người bạn thân thiết” đang trào dâng dòng nhựa sống. Có những tứ thơ khi đọc lên sẽ làm cho những ai gắn bó với ngành cao su rưng rưng xúc động… Những câu hát như được chắt từ đáy lòng… Điều đó đã minh chứng một tình yêu mãnh liệt và thể hiện niềm tự hào sâu sắc của người công nhân về ngành nghề mà mình đang làm.

Bên cạnh những hoạt động mang tính định kỳ (Hội thi tay nghề thợ giỏi, Liên hoan thanh niên tiên tiến, Trại hè cho con em công nhân…) Tập đoàn cũng tổ chức Hội diễn nghệ thuật CNVCLĐ. Hội diễn năm 2013 khá thành công ở khu vực 1 và 2, khu vực miền Đồng đang chuẩn bị. Hội diễn lần nào cũng có rất nhiều tiết mục tự biên là những ca khúc, bài hát múa, tiểu phẩm kịch… xoay quanh chủ đề cao su. Cuộc vận động sáng tác lần này nhất định sẽ góp thêm nhiều tác phẩm mới, có giá trị cao, làm phong phú sinh động thêm cho phong trào văn hóa văn nghệ toàn ngành.

Có thể khẳng định, văn hóa văn nghệ là một nhu cầu cần thiết đối với công nhân cao su. Nếu chúng ta tạo những sân chơi lành mạnh để “khơi thông dòng chảy” - nếu được động viên khích lệ đúng mức thì chính người lao động sẽ còn biết sáng tạo hơn nữa và sẽ làm cho phong trào văn hóa văn nghệ trong ngành cao su lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Và sẽ góp phần thúc đẩy thi đua lao động sản xuất tốt hơn, mang lại hiệu quả hơn.

·         Sự quảng bá hữu hiệu về Tập đoàn Cao su trong thời kỳ đổi mới.

Lãnh đạo Tập đoàn mong muốn: những bài Ký do các tác giả trong và ngoài ngành gửi tham dự sẽ ghi nhận tương đối đầy đủ các tấm gương điển hình xuất sắc tiêu biểu – cá nhân và tập thể đã có nhiều công lao thành tích cống hiến cho đơn vị và toàn Tập đoàn qua các thời kỳ xây dựng và phát triển. Những bài Ký hay - cũng là phương thức nhân điển hình tiên tiến một cách tốt nhất, góp phần cho phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng. Tuyển tập “Cao su – Dòng chảy cuộc sống” với những bài viết về các tấm gương điển hình sẽ là một trong các phương thức quảng bá hữu hiệu về Tập đoàn Cao su trong thời kỳ đổi mới.

Nhìn chung, tổng thể các bài Ký gửi về tham dự cuộc vận động sáng cũng đã phát thảo nên bức tranh toàn cảnh về Tập đoàn cao su trên khắp các vùng miền, phản ảnh tinh thần làm việc không mệt mõi của những tập thể cán bộ công nhân lao động, ghi nhận công lao của những con người đã trải qua thời gian khổ trong giai đoạn bao cấp, đã tích cực cống hiến hết sức mình để đưa đơn vị chạm vào danh hiệu cao quí “Anh hùng lao động”, khẳng định bước đi mạnh mẽ của từng đơn vị cùng Tập đoàn trên con đường phát triển bền vững… Tuy nhiên, số lượng tác phẩm Ký vẫn còn hạn chế. Bởi vì, Ký báo chí là một thể loại khó, đòi hỏi sự chuyên nghiệp.

Ngành cao su, những năm qua đã phát triển đi vào chiều sâu và trên diện rộng, đã đầu tư trồng mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là chương trình phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu làm thay đổi phương thức sản xuất, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhà đầu tư không chỉ đầu tư đồng vốn lâu dài, đổ nhiều công sức lao động…, mà còn phải có tâm huyết vì sự nghiệp chung. Nếu có dịp đến với vùng núi phía Bắc, chắc chắn mọi người sẽ đồng cảm với nhận xét “Từ Tây Nguyên và vùng quê miền Trung đồi núi cằn cỗi, để trồng được cây cao su, người công nhân cao su vất vả trăm lần. Nhưng khi vượt bao chặng đường đèo đến với Tây Bắc, biết được đồng bào mình phải trèo lên núi lên đồi để “đánh đường đồng mức” theo bậc thang rồi mới gùi cõng cây cao cao su con lên trồng, chúng ta hiểu cao su Tây Bắc khó khăn vạn lần...”

Những năm qua Tập đoàn còn phát triển nhiều dự án ở Lào và Kampuchia, góp phần vun đắp thêm tình hữu nghị bền vững… Để cây cao su phủ xanh trên những vùng đất mới nhiều khó khăn thử thách ấy, đã có những cán bộ công nhân tích cực vượt lên chính mình, đối mặt với gian lao thiếu thốn và chịu đựng hy sinh thiệt thòi… Họ đáng được tôn vinh khích lệ bằng nhiều hình thức. Nhưng, trong các bài Ký tham gia cuộc vận động sáng tác, vẫn còn những khoảng trống về đất và người “chưa được gọi tên”… bởi vì các “tay viết chuyên nghiệp” không có điều kiện tự đến những vùng xa xôi như thế, mặt khác do ban tổ chức chưa tổ chức được những chuyến đi thực tế sáng tác ở vùng đất khó khăn heo hút ấy.

Về nhạc, theo như nội dung đã thông báo, 40 tác giả có bài hát đã thu demo “bước vào hiệp 2 – vòng chung khảo” sẽ được Ban tổ chức hỗ trợ kinh phí thu âm demo 1 triệu đồng/bài. Số tiền quá ít ỏi so với giá làm thực tế. Nhưng đa số các bài hát, đều đã được các tác giả cho hòa âm và thu demo khá tốt. Bởi tác giả nào cũng muốn đầu tư chăm chút cho đứa con tinh thần của mình, nhất là các nhạc sĩ chuyên nghiệp. Với số lượng gần 200 ca khúc, 350 bài thơ, không ít bài thơ tứ rất xuất sắc, không ít bài hát có ca từ hay và giai điệu đẹp hòa quyện với nhau. Số lượng giải thưởng thì có hạn. Quả thật, đây là một cái “Khó! Rất khó!” cho sự tuyển chọn của Hội đồng thẩm định. Về bài Vọng cổ, cũng đã được các soạn giả trong Hội đồng tuyển chọn khen ngợi: “Chúng tôi không ngờ, so với một số cuộc thi khác, viết về ngành cao su lại có rất nhiều bài rất tốt, chắc ban tổ chức phải mở thêm giải thưởng…”.

Cuộc vận động tuy đã khép lại về thời gian, nhưng đã mở ra một không gian đa chiều cho các tác giả trong và ngoài ngành, góp phần đưa ngành cao su gần gũi hơn với cộng đồng và các địa phương chưa có cây cao su, góp phần tạo thêm tiếng nói đồng thuận chung.

Kết quả cuộc Vận động sáng tác ngành cao su sẽ được công bố và trao giải vào dịp Lễ Kỷ niệm 84 năm ngày Truyền thống ngành cao su (28/10/2913) cùng với việc ra mắt Tuyển tập Thơ – Ký và các album nhạc “Âm vang dòng nhựa trắng”.

 Tiến đến lễ kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành cao su, bên cạnh những hoạt động thiết thực khác, Tập đoàn sẽ tổ chức những cuộc thi hát các ca khúc đã được tuyển chọn (đơn ca, song ca, tốp ca), sẽ tổ chức bình chọn bài hát truyền thống, sẽ mở thêm những hoạt động mới… nhằm phát huy hiệu quả tốt đẹp từ cuộc vận động sáng tác... Nhất định phong trào văn hóa văn nghệ sẽ càng sôi nổi và đời sống tinh thần người công nhân sẽ ngày càng phong phú hơn nữa; góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và góp sức nâng cao đời sống văn hóa vùng sâu nơi có cây cao su đứng chân…

 
QL.
 

·         Thành viên Hội đồng Thẩm định Tuyển chọn của Cuộc Vận động Sáng tác ngành Cao su:

- Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, nguyên P. Tổng thư Ký Hội Nhạc sĩ VN, nguyên GĐ Nhạc Viện TPHCM.

- Nhạc sĩ - nhà báo Vũ Hoàng, TBT tạp chí Du lịch TPHCM.

- Nhạc sĩ - nhà báo Thanh Bình, Chủ biên Tạp chí Âm nhạc online Giai Điệu Xanh.

- Nhà văn – nhà báo Phan Xê – nguyên TBT Báo Cao su Việt Nam.
- Nhà thơ – nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên, TKTS T/c Người Làm Báo.

- Nhà thơ – nhà báo Hồ Thy Ca – Ban VHVN Thành ủy TP.HCM

- Nhà báo Quốc Anh – Biên tập viên Báo Sài Gòn Giải Phóng.

- Nhà báo Phi Long – P.TBT Tạp chí Cao su Việt Nam.

- Soạn giả Ngô Hồng Khanh, nguyên UV Ban Thư ký Hội Sân khấu VN.

- Soạn giả Minh Thùy, Hội viên Hội Sân Khấu VN.